Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Trong đó, khi tách doanh nghiệp, bên cạnh các vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục tách doanh nghiệp, đăng ký cho doanh nghiệp mới hình thành thì việc đưa ra phương án xử lý đối với lao động của công ty bị tách cũng cần được quan tâm. Công ty bị tách và công ty được tách cần phân bố, sử dụng nguồn lao động hiện có cho phù hợp. Điều quan trọng là phải đảm bảo lợi ích của người lao động. Cụ thể, đối với trường hợp tiếp tục sử dụng lao động, khi thực hiện tách doanh nghiệp, người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm tiếp tục sử dụng hết số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Nếu không sử dụng hết lao động hay nhu cầu sử dụng lao động của công ty không hết số lao động hiện có thì doanh nghiệp phải xây dựng phương án sử dụng lao động cho phù hợp theo quy định của pháp luật. Cụ thể, phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây: Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng; Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu; Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động; Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án. Doanh nghiệp cần lưu ý rằng khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Trường hợp bắt buộc phải cho người lao động thôi việc, doanh nghiệp phải trả cho người lao động trợ cấp mất việc làm để quyền lợi của người lao động vẫn được đảm bảo khi tách doanh nghiệp. Bộ luật lao động 2012 đã có quy định cụ thể như sau: Người lao động đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương. Trong đó, thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét