Thử việc là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm thử công việc trong một khoảng thời gian nhất định tuân thủ theo quy định của pháp luật. Trước khi giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về giai đoạn thử việc để quyết định sự hợp tác, gắn bó lâu dài giữa người lao động với người sử dụng lao động. Thử việc cần tuân thủ quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 ban hành một số quy định mới liên quan đến thử việc.
Bộ luật Lao động năm 2012 không đề cập đến việc thỏa thuận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động. Theo đó, người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Từ những quy định trong Bộ luật Lao động 2012 dẫn đến cách hiểu rằng, người lao động và người sử dụng nên lập hợp đồng thử việc riêng. Thử việc hoàn tất và người lao động đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động, hai bên mới giao kết hợp đồng lao động. Theo quy định mới nhất trong Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc. Quy định này đã làm rõ hình thức giao kết hợp đồng thử việc, theo đó thử việc có thể giao kết một hợp đồng riêng rẽ hoặc trở thành một trong những điều khoản của hợp đồng lao động. Đối với trường hợp nội dung thử việc được ghi trong hợp đồng lao động thì khi kết thúc thời gian làm thử việc, nếu người lao động thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết. Nếu các bên thỏa thuận bằng hợp đồng thử việc thì giao kết hợp đồng lao động mới.
Liên quan đến các trường hợp giao kết hợp đồng thử việc, người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng không áp dụng thử việc. Ngoài ra, quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc đã được bãi bỏ do hiện tại không còn hình thức hợp đồng lao động mùa vụ trong luật.
Bên cạnh đó, thời hạn thử việc trước đây được giới hạn không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Hiện tại, thời hạn thử việc được cho phép đối với những người quản lý doanh nghiệp có thể lên tới 180 ngày. Luật Lao động đã phân định giới hạn thời gian thử việc dựa vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc. Trong đó, người quản lý doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động kinh doanh bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty (áp dụng đối với các doanh nghiệp không có vốn nhà nước).
Một sửa đổi khác đối đối với việc hủy bỏ thỏa thuận thử việc, Bộ luật Lao động 2019 đã bãi bỏ giới hạn quyền hủy bỏ này. Theo đó, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường. Ngược lại, người lao động và người sử dụng lao động chỉ có thể hủy bỏ thỏa thuận lao động nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận theo Bộ luật Lao động 2012.
Quá trình thử việc là bước đệm cho việc tiến tới ký kết hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm đảm bảo sự phù hợp về năng lực và kinh nghiệm của người lao động đáp ứng yêu cầu của người sử dụng la động. Các doanh nghiệp với tư cách là người sử dụng lao động cần nắm rõ các nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động cũng như hợp đồng thử việc để tránh xảy ra tranh chấp lao động hoặc nếu có tranh chấp thì nên tham khảo ý kiến luật sư chuyên về tranh chấp sớm để hoả giải hoặc có phương án tranh chấp phù hợp, hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét