• ANT Consulting

    Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

    Cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN



    Do hợp tác kinh tế được mở rộng nên việc có một cơ chế hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các nước thành viên đã trở nên một nhu cầu thiết yếu. Chính vì vậy, từ năm 1996, ASEAN đã bắt đầu soạn thảo Nghị định thư về Cơ chế Giải quyết Tranh chấp, và Nghị định thư này đã được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ký ngày 20/11/1996 tại Manila (Philippines).


    Cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN được xây dựng trên tinh thần thương lượng, hoà giải. Vào bất kỳ thời điểm nào, các nước thành viên là các bên tranh chấp cũng được quyền lựa chọn các hình thức dàn xếp, hoà giải hoặc trung gian hoà giải. Các hình thức này có thể bắt đầu vào bất kỳ lúc nào và cũng có thể chấm dứt vào bất kỳ lúc nào. Chỉ khi thủ tục dàn xếp, hoà giải hoặc trung gian hoà giải đã chấm dứt thì bên khiếu nại mới được tiến hành đưa vấn đề lên Hội nghị quan chức kinh tế cấp cao của các quốc gia ASEAN (SEOM). Trong khi tranh chấp đang diễn ra, nếu các bên tranh chấp đồng ý thì các thủ tục trung gian hoà giải vẫn được tiếp tục áp dụng.

    Nếu tham vấn không giải quyết được tranh chấp trong vòng sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn, thì vấn đề này sẽ được trình lên SEOM. SEOM sẽ thành lập Ban hội thẩm hoặc nếu có thể, chuyển vấn đề cho ban chuyên trách phụ trách các quy tắc và thủ tục đặc biệt hoặc bổ sung để xem xét. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể, nếu thấy cần thiết thì SEOM có thể quyết định xử lý tranh chấp một cách hữu nghị mà không phải chỉ định Ban hội thẩm.

    SEOM sẽ xem xét báo cáo của Ban hội thẩm trong quá trình thảo luận của mình và đưa ra phán xử về tranh chấp trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày Ban hội thẩm trình báo cáo. Trong các trường hợp ngoại lệ, SEOM có thể có thêm mười (10) ngày nữa trong việc đưa ra phán xử về việc giải quyết tranh chấp. Các đại diện SEOM của các nước thành viên là các bên tranh chấp có thể có mặt trong quá trình thảo luận nhưng không được tham gia vào việc đưa ra phán xử của SEOM. SEOM sẽ ra phán xử trên cơ sở đa số.

    Các nước thành viên là các bên tranh chấp có thể kháng nghị lại phán xử của SEOM với Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (“AEM”) trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày SEOM ra phán xử. AEM phải đưa ra quyết định trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày có kháng nghị. Trong các trường hợp ngoại lệ, AEM có thể có thêm mười (10) ngày nữa để đưa ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Facebook

    Youtube