Nghĩa vụ quan trọng nhất của các bên trong Hợp đồng thương mại là giao hàng cung ứng dịch vụ và thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo thỏa thuận. Tuy nhiên trên thực tế thường xuyên xảy ra việc một bên hoặc các bên thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, gây thiệt hại cho bên còn lại. Đặc biệt, đối với trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán, bên bị thiệt hại có thể yêu cầu bên gây thiệt hại phải thanh toán tiền lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ cho mình.
Điều 306 Luật thương mại 2005 có quy định về việc áp dụng lãi suất do việc chậm thanh toán như sau: Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Như vậy, lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trong kinh doanh thương mại được áp dụng theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, Luật thương mại 2005 thời điểm đó chưa có quy định cụ thể về lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường. Hiện nay, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP đã có hướng dẫn chi tiết về mức lãi suất này. Khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Đối với trường hợp các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét