Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì các hình thức giao dịch online cũng dần trở thành xu thế và phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Những năm gần đây với sự xuất hiện của “tiền ảo” đã tạo ra một hiện tượng mới cho nền kinh tế toàn cầu mà một số quốc gia đã và đang triển khai sử dụng như El-Salvador, Campuchia…. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng thừa nhận tiền ảo, các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Thái Lan… đều kịch liệt phản đối loại hình tiền ảo này vì e ngại rủi ro cho nền kinh tế quốc gia.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có văn bản cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn thì tiền ảo với ưu điểm cực kỳ nhanh chóng, tính năng thuận tiện chỉ cần có kết nối Internet và phạm vi áp dụng rộng rãi nên được khai thác. Vừa qua Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 có nội dung thí điểm sử dụng “tiền ảo”. Cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Đây được đánh giá là bước đi táo bạo nhưng phù hợp với bối cảnh các sàn giao dịch tiền ảo “chui” hoạt động trái phép mọc lên càng nhiều và cũng mở ra nhiều tiềm năng cho nền kinh tế của đất nước.
Thực tế, những năm vừa qua mặc dù nhà nước đã có văn bản không công nhận các loại hình tiền ảo tuy nhiên việc mua bán, mở sàn trung gian giao dịch tiền ảo trái phép vẫn diễn ra phổ biến được nhiều người Việt Nam biết đến và tham gia. Việt Nam thuộc top 3 toàn cầu về tỷ lệ người dân sở hữu tiền điện tử cho thấy nhu cầu sở hữu loại tiền thông qua nền tảng Internet này của người Việt Nam là khá cao đây là tiền đề để dự đoán rằng “tiền ảo” khi được Chính phủ chấp thuận sẽ được người Việt đón nhận tích cực. Mặt khác, gần đây “tiền ảo” xuất hiện nhiều hơn trên báo đài về các vụ lừa đảo, các sàn giao dịch hoạt động trái phép khiến người chơi mất tiền, không được pháp luật bảo vệ. Nhưng ở một khía cạnh khác các giao dịch tiền ảo cũng giúp người dùng thực hiện nhiều mục đích như: Đầu tư nhằm kiếm lợi nhuận một cách nhanh nhất, dự trữ để bán kiếm lời…Vì vậy sự ra đời của Quyết định 942/QĐ-TTg là kịp thời, mặc dù là còn ở giai đoạn triển khai thử nghiệm nhưng đã giải quyết được phần nào nhu cầu của nền kinh tế cũng như tạo ra sự quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ cho người sử dụng trước khi quyết định đưa vào sử dụng chính thức. Ngoài ra, với sự thí điểm công nhận đồng tiền ảo dưới sự quản lý của nhà nước cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy phát triển công nghệ mới trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Một số mặt tích cực có thể kể đến khi tiền ảo được cho phép sử dụng như tạo sự thuận tiện trong giao dịch. Cụ thể, người dùng không phải qua bất kỳ một khâu hay trung gian nào cũng không bị giới hạn, không phụ thuộc thời gian, địa điểm trong quá trình giao dịch. Thêm vào đó, tính bảo mật rất cao và không thể bị làm giả, vì tiền ảo không thể hiện dưới dạng vật chất như tiền giấy, tiền polyme, vàng bạc mà các gia đình Việt Nam vẫn có thói quen cất trữ nên giúp hạn chế việc bị làm giả và trộm cắp tài sản nên việc đưa tiền ảo vào sử dụng là phù hợp giúp việc quản lý tài sản người dân trở nên đơn giản hơn.
Quyết định 942/QĐ-TTg cũng đặt ra nhiều thách thức cho Chính phủ nước ta trong việc quản lý cũng như kiểm soát. Với đặc tính “cơ động” nên việc kiểm soát của “tiền ảo” là không đơn giản đặc biệt đối với nước ta chưa phải là quốc gia hàng đầu về phát triển công nghệ thông tin. Do đó, để đưa “tiền ảo” vào sử dụng phải đảm bảo phát triển được nền tảng công nghệ tương ứng, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất cho người sử dụng. Ngoài ra, người dân nước ta với thói quen sử dụng tiền để giao dịch đã ăn sâu vào tiềm thức và khái niệm tiền ảo còn khá xa lạ với nhiều người trong khi đó, việc sử dụng tiền ảo phải đòi hỏi những hiểu biết nhất định về lĩnh vực tiền ảo nên sẽ tạo ra những khó khăn bước đầu cho người dùng. Mặt khác, nếu kiểm soát không tốt “tiền ảo” sẽ trở thành công cụ rửa tiền, chuyển tiền xuyên quốc gia từ các hoạt động kinh tế phạm pháp như buôn lậu, thuốc phiện, tài trợ khủng bố… Một vấn đề quan trọng nữa đó là hệ thống Internet của nước ta còn chưa ổn định. Vì vậy, để có thể lưu thông được tiền ảo một cách thuận tiện, đòi hỏi Việt Nam chúng ta cần phát triển hơn nữa hệ thống mạng Internet để đảm bảo tính ổn định trong các giao dịch.
“Tiền ảo” trong Quyết định 942/QĐ-TTg thể hiện được khát vọng đổi mới và quyết tâm của Chính phủ trong việc tiến gần hơn đến mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia và nền kinh tế trên nền tảng công nghệ số. Tuy nhiên, việc thực hiện cần có lộ trình và định hướng thực hiện cũng như nền tảng pháp luật chặt chẽ để đảm bảo thực hiện được hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét