• ANT Consulting

    Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

    Dịch vụ an ninh mạng, giải pháp an ninh mạng trong tình hình mới



    Ngày nay, công nghệ thông tin được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần tăng hiệu quả công việc, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí. Bên cạnh các thuận lợi đó, người sử dụng cũng đối mặt với nhiều nguy cơ từ việc thất thất, rò rỉ thông tin của cá nhân, tổ chức và xâm hại quyền riêng tư khi truy cập mạng. Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, dịch vụ an ninh mạng là giải pháp cần thiết. Theo đó, Bộ Công an đề xuất xem xét dịch vụ bảo vệ an ninh mạng vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Từ đó, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện.


    Về tính cấp thiết của dịch vụ an ninh mạng trong đời sống kinh tế – xã hội Việt Nam, theo thống kê năm 2021, Bộ Công an đã ghi nhận, phân tích gần 8 triệu cảnh báo liên quan đến hoạt động tấn công mạng, qua đó phát hiện, xác minh 2.763 cuộc tấn công mạng nhằm vào các trang cổng thông tin điện tử trong nước (tăng 26% so với năm 2020). Ngoài ra, hoạt động tấn công mạng có xu hướng gia tăng gây ảnh hưởng chính trị và thiệt hại lớn về kinh tế. Bên cạnh đó, tình trạng thu thập, xâm nhập trái phép thông tin dữ liệu của các tổ chức, cá nhân để giao dịch, mua bán diễn biến phức tạp. Nếu có sự tham gia của dịch vụ an ninh mạng sẽ góp phần tăng cường sự bảo vệ đối với môi trường an ninh mạng, đặc biệt là các tổ chức kinh tế quan trọng như ngân hàng, cơ quan nhà nước là các tổ chức có vai trò trọng yếu của quốc gia.

    Mặt khác, phát triển dịch vụ an ninh mạng là đúng với chủ trương phát triển của đất nước. Cụ thể, tại Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo an ninh mạng Quốc gia đã xác định mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu nguy cơ bị xâm hại an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Hơn nữa, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 22 về chương trình trình hành động, đảm bảo an ninh mạng quốc gia. Theo đó, Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm dịch vụ an ninh mạng. Như vậy, việc đưa dịch vụ an ninh mạng trở thành ngành nghề kinh doanh là phù hợp với bối cảnh hiện tại và định hướng phát triển.

    Bên cạnh đó, chấp thuận dịch vụ an ninh mạng sẽ định hướng các quy định và điều kiện cụ thể cho doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng sẽ chủ động tuân thủ các quy định. Ngoài ra, các điều kiện kinh doanh dịch vụ an ninh mạng sẽ đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng được cung cấp bởi các đơn vị uy tín, đủ năng lực. Theo đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng sẽ là cơ sở vững chắc để dịch vụ an ninh mạng thể hiện chức năng, vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển chung của đất nước.

    Hơn nữa, phát triển dịch vụ an ninh mạng chất lượng và hiệu quả sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Bởi vì, hiện nay hầu hết các hoạt động kinh doanh đều có vai trò của Internet nên các rủi ro như bảo mật thông tin, bảo mật dữ liệu sẽ là vấn đề các nhà đầu tư quan tâm. Vì vậy, nếu có sự tham gia của dịch vụ an ninh mạng với các sản phẩm hỗ trợ hạn chế rủi ro và khả năng phục hồi dữ liệu giúp vận hành tốt hoạt động kinh doanh sẽ tạo niềm tin và động lực cho các nhà đầu tư.

    Hiện nay, Bộ công an dự kiến các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng bao gồm: (i) Sản phẩm bí mật để thu thập thông tin (thiết bị mà phần cứng, phần mềm có chức năng thu thập thông tin tài liệu qua không gian mạng – phần mềm gián điệp); (ii) Sản phẩm kiểm soát an ninh lưu lượng mạng (trong đó thiết bị phần cứng, phần mềm chuyên dụng dành cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thiết kế với tính năng đặc thù để bảo vệ các mục tiêu, hệ thống thông tin nhằm cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm an ninh mạng; (iii) Dịch vụ giám sát an ninh mạng, kiểm thử an ninh mạng, đào tạo kiến thức, tư vấn mạng, đánh giá tiêu chuẩn an ninh mạng. Đây là các dịch vụ, sản phẩm có ứng dụng thiết thực và có khả năng đáp ứng các nhu cầu của các cá nhân, tổ chức đang sử dụng không gian mạng.

    Như vậy, mặc dù dịch vụ an ninh mạng vẫn chưa chính thức được chấp thuận, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay dịch vụ an ninh mạng sẽ là giải pháp hiệu quả để cùng Chính phủ xây dựng môi trường công nghệ số và phát triển công nghệ thông tin an toàn, bền vững phù hợp với tốc độ phát triển của toàn cầu. Dự kiến khi dịch vụ an ninh mạng được quy định cụ thể sẽ thúc đẩy môi trường không gian mạng lành mạnh, an toàn và hiệu quả.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Facebook

    Youtube